Lượt xem: 1826

Một số giải pháp phục hồi du lịch Sóc Trăng hậu COVID-19

Hơn một năm qua, ngành du lịch cả nước nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng đã chịu tác động nặng nề từ COVID-19. Mặc dù tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng toàn ngành vẫn có những bước chuẩn bị để khôi phục và phát triển các hoạt động du lịch khi dịch bệnh được kiểm soát.

 


Chùa Paem Buôl Thmây hay gọi chùa ngã tư Sung Đinh.

 

    Những tác động từ COVID-19

    Do ảnh hưởng của COVID-19, đa số các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, điểm tham quan, dịch vụ vận chuyển hành khách... đều ngưng hoạt động để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Phần lớn người lao động trong lĩnh vực du lịch bị mất việc làm, giảm thu nhập; các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh ngưng hoạt động nhưng vẫn trả các khoản phí như thuê mặt bằng, hỗ trợ lương cho nhân viên, đóng bảo hiểm xã hội. Hiện nay, các doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch gặp khó khăn về vốn hoạt động sau khi hết dịch.

    Năm 2021, tổng lượt khách du lịch đến tỉnh khoảng 760.440 lượt, đạt 38% kế hoạch năm, giảm 23% so với năm 2020. Doanh thu từ du lịch năm 2021 khoảng 334.163 triệu đồng, đạt 48% kế hoạch năm, giảm 21% so với năm 2020. Nhiều hoạt động hội nghị, hội thảo để kích cầu du lịch; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng về du lịch, tham gia các sự kiện, các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong khu vực và với các địa phương khác đều bị gián đoạn.

    Tăng cường công tác tuyên truyền

    Ngành du lịch tỉnh chủ động tuyên truyền, triển khai, quán triệt đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, điểm tham quan, điểm bán hàng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành trên địa bàn tỉnh các quyết định, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh về tăng cường các biện pháp phòng, chống COVID-19, chấp hành nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội. Đặc biệt, thường xuyên triển khai một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

    Qua đó, để thích ứng với tình hình dịch bệnh theo định hướng của Chính phủ, UBND tỉnh Sóc Trăng đã giao ngành du lịch hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, điểm tham quan, điểm du lịch xây dựng kế hoạch phòng, chống COVID-19 để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả. Đến nay, hoạt động du lịch của tỉnh Sóc Trăng đang trong giai đoạn thích ứng với dịch bệnh. Đồng thời, ngành du lịch tích cực hỗ trợ các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch vượt qua khó khăn của COVID-19: Phối hợp với Điện lực Sóc Trăng tổng hợp danh sách cơ sở lưu trú du lịch đủ điều kiện để hỗ trợ giảm giá điện; hỗ trợ cho hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề nhận được gói hỗ trợ do bị ảnh hưởng bởi COVID-19, phối hợp với Ban quản lý Khu công nghiệp An Nghiệp rà soát cơ sở lưu trú đảm bảo điều kiện hợp đồng cung ứng dịch vụ lưu trú cho một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; có gần 1.500 lượt công nhân lưu trú để thực hiện hoạt động sản xuất theo phương án “Một cung đường hai điểm đến”.

    Một số giải pháp phục hồi và phát triển du lịch

    Ngành du lịch tiếp tục tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh phục hồi hoạt động du lịch. Trong đó, tập trung triển khai Thông tư số 112/2020/TT-BTC, ngày 29/12/2020 và Thông tư số 47/2021/TT-BTC, ngày 24/6/2021 của Bộ Tài chính quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với COVID-19; giảm phí thẩm định thủ tục cấp phép kinh doanh dịch vụ lữ hành và phí cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch 50%; phối hợp với ngành điện xem xét giảm giá điện cho cơ sở lưu trú theo Quyết định số 648/QĐ-BCT, ngày 20/3/2019 của Bộ Công thương về điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện cho khách hàng sử dụng điện là cơ sở lưu trú du lịch theo quy định tại Luật Du lịch năm 2017. Miễn và giảm thuế giá trị gia tăng cho tiêu dùng du lịch và các doanh nghiệp du lịch, giảm thuế khoán cho các hộ kinh doanh du lịch cá thể; chậm nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, bảo hiểm xã hội...

    Hỗ trợ đào tạo lại nguồn nhân lực du lịch theo hướng đảm bảo các tiêu chuẩn, điều kiện để phục vụ trong ngành du lịch; hỗ trợ các cơ sở kinh doanh dịch vụ quảng bá hình ảnh, thương hiệu, dịch vụ... đến với du khách; liên kết các địa phương, doanh nghiệp để xây dựng, phát triển mới các sản phẩm, dịch vụ du lịch, các tour, tuyến du lịch.

    Xây dựng các chương trình kích cầu du lịch với thông điệp “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và “Du lịch Sóc Trăng an toàn hấp dẫn”, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia theo hướng giảm giá nhưng không giảm chất lượng dịch vụ, tăng trải nghiệm cho du khách để thu hút du khách tham quan, trải nghiệm dịch vụ.

    Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số khi thực hiện công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, cơ sở cung ứng dịch vụ và khách du lịch, tiếp tục triển khai có hiệu quả ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”, hệ thống đăng ký và khai báo an toàn COVID-19 www.safe.tourism.com.vn

    Với sự chung tay quyết tâm, cùng với những giải pháp đồng bộ, ngành du lịch Sóc Trăng đang từng bước thích ứng và dần phục hồi với tình hình mới; phát triển sản phẩm du lịch mới đảm bảo an toàn đối với dịch bệnh, phù hợp với nhu cầu, xu hướng thị trường trong và sau đại dịch…

Tân Trang



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 38
  • Hôm nay: 220
  • Trong tuần: 70,647
  • Tất cả: 11,802,654